Sốc với gói đám cưới giả hoàn hảo có giá 98 triệu đồng
Trong vai một cô gái không muốn kết hôn nhưng đang bị giục lấy chồng, phóng viên tìm đến một công ty chuyên tổ chức đám cưới giả tại Hà Nội. Người đàn ông tên Q., GĐ công ty, nhiệt tình giới thiệu về dịch vụ này. Q. bảo, công ty có hàng ngàn nhân viên, cộng tác viên nam nữ, cán bộ về hưu, công chức, lao động tự do… tuổi đời từ 20-70 tuổi, em thích là có liền.
Chỉ cần chi 98 triệu
Biết nguyện vọng vủa tôi, Q. gợi ý PV sử dụng gói dịch vụ vừa rẻ vừa tiết kiệm, gộp chung cả gói ăn hỏi và rước dâu vào cùng một ngày. Tất cả các thông tin của khách hàng sẽ được đảm bảo bí mật tuyệt đối. Công ty chỉ tổ chức cho những đám cưới đặc biệt, không làm những cái bình thường. Bên công ty đã tổ chức được hơn 1.000 đám cưới giả rồi, vấn đề “diễn viên” không có gì đáng ngại.
Gói đám cưới giả 98 triệu đồng từ công ty ông Q..
Nói rồi, vị này đưa ra bảng giá các gói dịch vụ với mức từ 16 triệu đến 98 triệu đồng. Gói 98 triệu đồng bao gồm đủ các thủ tục: Ra mắt, nói chuyện người lớn, dạm ngõ, ăn hỏi, cưới và có hỗ trợ đặc biệt.
“Nếu em đồng ý chúng ta sẽ ký hợp đồng, với giá 98 triệu đồng thì sau 20 ngày em sẽ có một đám cưới hoàn hảo. Chúng tôi đã có kịch bản chi tiết. Các diễn viên vào vai đóng thế phải học thuộc, làm sao vừa ứng xử tốt, khéo léo không quá lộ liễu để làm hài lòng bố mẹ của khách hàng.
Về chú rể, chúng tôi sẽ lựa chọn đầy đủ tiêu chuẩn bên nhà gái đưa ra, đặc biệt, khuôn mặt phải có tướng phu thê với cô dâu. Thực chất của dịch vụ này là chúng tôi đang “tìm người đóng thế” giúp những người đang gặp vấn đề tế nhị, khúc mắc trong chuyện gia đình có thể giải quyết được áp lực cưới hỏi. Thích thì ký hợp đồng, miễn bàn thêm”, Q. khẳng định.
Thật giả và những “góc khuất”
Nhiệt tình giới thiệu dịch vụ nhưng khi nói về “góc khuất” của cưới giả, Q. thừa nhận đằng sau nó là những câu chuyện buồn. Ông Q. nhớ lại, cách đây không lâu ông nhận làm đám cưới giả cho một cặp đôi. Họ yêu nhau đã gần 4 năm nhưng vì gia đình nhà trai không đồng ý cưới, dù cô gái đã có bầu. Thuyết phục thế nào cũng không được, chàng trai tìm đến trung tâm để nhờ sự giúp đỡ. “Chàng trai đó chỉ thuê cô, dì, chú bác và bà mẹ. Vì nhà gái ở Quảng Ninh, nhà trai tại Hà Nội nên khả năng phát hiện là rất khó. Chàng trai này nói với chúng tôi, làm đám cưới giả như một “liệu pháp cuối cùng” để giữ thể diện cho người yêu. Vậy nên, kịch bản đã được tiến hành trong vòng một tuần và họ đã có một đám cưới khá hoàn hảo”, Q. kể.
Hay có một trường hợp, cả hai đã thống nhất đám cưới và cô gái đã về thưa chuyện với cha mẹ. Nhưng đúng ngày đưa người yêu về ra mắt thì chàng trai bỗng dưng biến mất, không thể liên lạc được. Chỉ sau một ngày, công ty của Q. phải đưa được một người yêu hờ về để cô gái ra mắt với họ hàng. “Cô gái đã có bầu 3 tháng, nhưng người yêu đã cao chạy xa bay, sợ hãi, hoảng loạn, cô liền tìm đến dịch vụ này để giữ thể diện cho gia đình, cô phải đi vay tiền để “thuê chồng”, Q. kể.
Đám cưới giả diễn ra hoàn hảo từ A-Z ( Ảnh minh họa).
Kết thúc câu chuyện, cũng là lúc giám đốc Q. nhận được cuộc điện thoại của một chàng trai gọi điện đến để “thuê vợ”. Vị giám đốc này lại bắt đầu quảng cáo các gói dịch vụ với dàn “diễn viên” đóng thế. Kịch bản cũ, “diễn viên” cũ, chỉ có khán giả là mới!.
Trao đổi với phóng viên, PGS.TS. Phạm Ngọc Trung (nguyên Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho rằng, hiện nay, khi bước vào thời kỳ 4.0 thì quan niệm về hôn nhân và gia đình bị biến tướng một cách rõ hơn bao giờ hết.
Nếu như trước đây, các cặp đôi yêu nhau rồi mới tiến đến hôn nhân, xây dựng một mái nhà, nương tựa vào nhau và nuôi dưỡng những đứa trẻ. Nhưng hiện nay, một bộ phận giới trẻ lại suy nghĩ hoàn toàn khác. Họ thích sống độc thân, không phụ thuộc vào gia đình nên đã tìm đến đám cưới giả để che mắt thiên hạ. Một số khác, không may có thay nhưng lại dính vào cuộc tình chẳng được ngon ngon, chủ nhân cái thai không nhận con nên các cô gái mới tìm tới giải pháp đám cưới giả
PGS.TS Phạm Ngọc Trung bày tỏ quan điểm về đám cưới giả hiện nay.
“Tôi nghĩ có rất nhiều lý do để người trẻ tìm đến các công ty thuê một đám cưới giả. Nhưng dù là lý do gì đi chăng nữa thì cũng thể hiện sự ích kỷ, chống lại chế độ một vợ một chồng, đi ngược với văn hóa Việt. Những người này cũng đang chứng tỏ sự hèn nhát khi không dám đối diện với sự thật, đi lừa dối những người xung quanh. Nếu nhìn đúng sự việc thì hôn nhân và gia đình đang được mang ra mua bán và họ đã diễn một màn kịch trong chính cuộc đời họ”, PGS.TS Phạm Ngọc Trung cho biết.
Liên quan đến cưới giả, dưới góc độ pháp lý, Luật sư Bùi Hoài Thanh (Hội Luật gia Việt Nam) cho rằng: “Việc tổ chức đám cưới giữa những người này không phải là kết hôn và không làm phát sinh quan hệ vợ chồng thì không có giá trị pháp lý. Vì đây không phải là sự kiện pháp lý kết hôn nên không có cơ sở để khẳng định hành vi này là vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình. Tuy nhiên, tôi không ủng hộ dịch vụ này, bởi vợ chồng phải đăng ký kết hôn mới hợp pháp. Quan hệ vợ chồng phải xuất phát từ tình yêu và dựa trên tinh thần tự nguyện”.
Về phía công ty cho thuê người tổ chức đám cưới giả, Luật sư Bùi Hoài Thanh khẳng định: “Các công ty thực hiện việc cho thuê người đã và đang thực hiện hoạt động kinh doanh có rủi ro rất cao.
Mặc dù pháp luật quy định người dân có quyền làm những việc mà pháp luật không cấm và hiện nay cũng chưa có quy định nào của pháp luật cấm việc cho thuê các đối tác đi chơi ngày Valalentin, các ngày lễ Tết trong năm và cả việc thuê người để tổ chức đám cưới. Nhưng cũng không có cơ sở pháp lý chính thức nào cho các công ty thực hiện hoạt động này.
Do vậy, những người trực tiếp môi giới rất có thể bị xác định là đồng phạm trong vụ án lửa đảo chiếm đoạt tài sản như đã phân tích ở trên. Hoặc trong trường hợp giữa người thuê và người cho thuê phát sinh quan hệ mua bán dâm thì hành vi của họ có dấu hiệu của Tội môi giới mại dâm theo quy định tại Điều 328 của Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017”.