Vai trò của phụ nữ và nam giới trong tổ chức cuộc sống gia đình – VỤ GIA ĐÌNH

“Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Câu ngạn ngữ này dù hiện giờ vẫn còn nhiều ý kiến tranh cãi về việc áp đặt vai trò giới nhưng xét về khía cạnh bình đẳng giữa các thành viên, nó cho thấy đối với một mái ấm gia đình, cả phụ nữ và nam giới đều phải đóng góp vào quá trình tổ chức cuộc sống. Phụ nữ và nam giới đặc biệt là những người trưởng thành, có thu nhập, thực hiện những hoạt động chăm sóc gia đình chính như chăm sóc trẻ em, người cao tuổi; sắp xếp việc nhà; thiết lập các kế hoạch phát triển cho các thành viên và cho gia đình.
Nam giới kiếm tiền để đóng góp vào kinh tế gia đình.
Nam giới tham gia chăm sóc trẻ em, người cao tuổi. Vai trò của người cha trong việc giáo dục trẻ em rất quan trọng, đặc biệt là hình thành nhân cách, cá tính của trẻ em trai cũng như là hình ảnh phản chiếu của đàn ông trong xã hội đối với trẻ em gái.
Quan niệm của người Việt Nam thường đề cao vai trò của người phụ nữ trong việc nội trợ, quản lý gia đình. Được coi như người giữ “tay hòm chìa khóa”, người phụ nữ sắp xếp, tổ chức cuộc sống gia đình theo hoàn cảnh gia đình, nhu cầu của các thành viên. Trong khi đó, xã hội thường coi người đàn ông “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành” là người hà tiện hoặc quá can thiệp vào việc của người phụ nữ.
Là người tổ chức cuộc sống vật chất trong gia đình, người phụ nữ không chỉ quản lý, điều hành các công việc trong gia đình mà chính bản thân họ là người tham gia chủ yếu, trực tiếp vào các công việc đó: Từ việc dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ, phơi phóng đến việc đi chợ, tổ chức các bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng, đảm bảo sức khỏe cho các thành viên trong gia đình… Khi nói đến vai trò người phụ nữ, ông bà ta có câu “nam ngoại nữ nội”, “vắng đàn ông quạnh nhà, vắng đàn bà quạnh bếp”. Thật vậy, thực tế từ xưa đến nay dù ở giai đoạn lịch sử nào thì vai trò nội trợ của người phụ nữ cũng được coi trọng và khẳng định.
Phụ nữ là người tay hòm chìa khóa, quyết định chi tiêu mọi việc trong gia đình, từ đi chợ, nấu ăn, giặt giũ đến quét dọn, bày trí, sắp xếp, mua sắm…. Đó là mảng công việc lặt vặt, tỉ mỉ, chiếm nhiều thời gian nhưng không thể không có. Người phụ nữ đã sắp xếp, tổ chức gia đình theo suy nghĩ, nhận thức và tính năng động của mình. Ngoài ra, phụ nữ có vai trò trọng yếu trong việc điều hòa các mối quan hệ gia đình. So với phụ nữ, nam giới có nhiều điểm không thể sánh bằng. Bởi lẽ họ không có những đức tính như người phụ nữ. Hàng ngày, sau một ngày làm việc tất bật, mệt nhọc, nam giới cần có một không gian ấm cúng, một nơi để nghỉ ngơi, và gia đình đóng vai trò quan trọng này. Bên cạnh những đứa con sạch sẽ, ngoan ngoãn, họ cũng cần có những bữa cơm ngon, cần thấy nhà cửa ngăn nắp, gọn sạch và nhất là người vợ dịu dàng, ân cần chăm sóc cho cha mẹ chồng cũng như xử sự tế nhị với gia đình bên chồng sẽ làm cho tan biến đi những lo toan, vất vả. Rõ ràng, tất cả những công việc trên phụ thuộc vào tính cách của người phụ nữ. Để điều hòa được các mối quan hệ gia đình, nó đòi hỏi những đức tính đảm đang, dịu dàng, biết thông cảm, chịu khó và sự tinh tế ở người phụ nữ.
Là người tổ chức cuộc sống vật chất trong gia đình, trước hết người phụ nữ phải lo quản lý tốt các nguồn thu nhập thường xuyên và đột xuất của gia đình; lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch thu, chi, tiết kiệm các nguồn thu nhập đó; sử dụng các nguồn lực gia đình một cách triệt để; phân công lao động cho các thành viên một cách hợp lý, vừa phát huy được tiềm năng, sức sáng tạo, vừa đảm bảo sức khỏe của các thành viên và đảm bảo bình đẳng giới trong phân công lao động; đồng thời biết điều phối các nguồn lực để đáp ứng nhu cầu của các thành viên trong gia đình.
Ngày nay, mặc dù khoa học phát triển, đời đống vật chất tinh thần ngày càng cao đã tạo điều kiện giải phóng phụ nữ khỏi công việc nội trợ gia đình để tham gia hoạt động xã hội, tuy nhiên vai trò nội trợ của người phụ nữ không vì thế mà mờ nhạt đi, ngược lại nó được quan tâm nhiều hơn, yêu cầu cao hơn nữa, đặc biệt người phụ nữ cần có kế hoạch tổ chức cuộc sống gia đình thật vui vẻ, đầm ấm phù hợp với sở thích của các thành viên trong gia đình với những bữa ăn ngon, trong bầu không khí thân mật để các thành viên có đủ sức khỏe học tập, công tác.
Mặt khác, người phụ nữ còn góp phần hỗ trợ chồng thành đạt trong cuộc sống. Trong công việc, có những lúc người chồng thất bại, giảm sút ý chí và tinh thần, thì người vợ ngoài việc chu tất công việc gia đình, phải thật sự thông cảm, khéo léo động viên chồng và tạo mọi điều kiện để người chồng lấy lại niềm tin, thêm nghị lực mà vượt qua sóng gió. Đó là những biểu hiện của sự khôn ngoan, chín chắn, có bản lĩnh và có văn hóa ở người phụ nữ.
Câu hỏi tiếp theo đặt ra là khi nào thì chúng ta bắt đầu thực hiện việc tổ chức đời sống gia đình và sẽ thực hiện việc này như thế nào? Thật ra, nền tảng của nghệ thuật tổ chức cuộc sống gia đình phải được nghiêm túc bàn tới ngay trong quá trình đôi nam nữ đang tìm hiểu, tiến tới hôn nhân và đôi nam nữ nên coi đó là những nguyên tắc cơ bản để cùng chung sống, để xây dựng gia đình. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, không có công thức chung nào có thể thỏa mãn hết được nhu cầu của từng gia đình, cách thức tổ chức cuộc sống rất đa dạng, dù vậy, cũng có những nội dung quan trọng không thể bỏ qua.
Một số nguyên tắc chung để tổ chức đời sống gia đình mà chúng ta có thể cùng tham khảo:
Tìm hiểu và thống nhất mô hình thu nhập và chi tiêu của gia đình: Hiện nay các gia đình hầu hết đều là mô hình hai nguồn thu nhập – cả hai vợ chồng cùng lao động, sản xuất, tạo thu nhập. Vì vậy, vai trò của hai người trong việc đóng góp và quyết định việc chi tiêu trong gia đình tương đối bình đẳng. Tất nhiên không phải lúc nào sự đóng góp tài chính giữa vợ và chồng cũng ngang bằng vì còn phụ thuộc vào mức thu nhập và thỏa thuận giữa hai người. Do vậy, trước tiên cần có sự rà soát, tính toán để nắm rõ được tổng thu nhập của từng người, nhu cầu chi tiêu cho mọi mặt đời sống của gia đình để từ đó có phương án điều tiết chi tiêu cho phù hợp.
Mọi quyết định đều cần có sự trao đổi, bàn bạc, thông tin giữa các thành viên trong gia đình, không phân biệt giới tính và độ tuổi.
Khi đã cùng chung sống dưới một mái nhà thì mỗi thành viên trong gia đình đều có vai trò quan trọng như nhau và có sự đóng góp riêng cho quá trình phát triển của gia đình. Do vậy, trong những quyết định lớn, có tác động tới mọi thành viên thì cần có sự trao đổi, thông tin và thống nhất. Tất nhiên, một quyết định đôi khi không thể thỏa mãn được hết ý muốn của tất cả mọi người nhưng ít nhất, việc được tham gia vào quá trình bàn bạc, trao đổi cũng sẽ khiến họ cảm thấy được tôn trọng và là một phần thực sự của gia đình.
Tạo điều kiện cho mọi người cùng tham gia vào việc tổ chức đời sống gia đình. Bên cạnh việc trao đổi, bàn bạc, chúng ta cần phân công, tạo điều kiện để các thành viên trong gia đình đều cùng tham gia làm việc, chăm sóc cho gia đình theo khả năng và loại hình công việc phù hợp. Làm việc cùng nhau sẽ tạo ra sự gắn kết cho các thành viên với gia đình, làm cho gia đình thực sự không chỉ là một nơi chốn đi về, tồn tại không thay đổi mà trở thành tổ ấm hạnh phúc rất cần sự chung sức, đóng góp của mọi thành viên. Không nên dồn gánh nặng của công việc và những trách nhiệm gia đình lên đôi vai của người phụ nữ/người vợ hay những người lớn tuổi mà cũng cần sự san sẻ của nam giới, trẻ em.