Tục “lại mặt” trong hôn lễ của một số dân tộc ở tỉnh Quảng Ninh
Tục “lại mặt” trong hôn lễ của một số dân tộc ở tỉnh Quảng Ninh
Ngày đăng tin: 17/07/2012 8:26 SA
Tục “lại mặt” (còn gọi là tục “trở về”) là một phần trong hôn lễ của một số dân tộc ở Quảng Ninh và ở nước ta.
Theo tài liệu nước ngoài, một số nước trên thế giới cũng có tục “lại mặt” trong hôn lễ. Hơn hai mươi năm trước, Giáo sư Tiến sỹ M.O. Cosven đã có công trình nghiên cứu về tập tục này ở một số dân tộc trên đất nước Liên – Xô. Dân tộc Sami ở Nauy, nước láng giềng Trung Quốc cũng có tục “lại mặt”. Sách Dân tộc học Trung Quốc cổ có nội dung “Phong tục dạy con gái” viết: “Thông thường thì hai vợ chồng mới cưới, trong khoảng từ 3-7 ngày kể từ khi cưới sẽ phải về thăm gia đình nhà vợ”. Tập tục này, người Tống gọi là bái môn. Ở thời cận đại, tục này được gọi là hồi môn.
Nội dung của tục này là: cô dâu trong lễ cưới, khi được đưa về nhà chồng lần đầu tiên, sau một thời gian nhất định, bắt buộc phải trở về nhà bố mẹ đẻ một thời gian rồi mới trở lại nhà chồng, ở hẳn bên chồng. Từ đó về sau, khi nhà bố mẹ đẻ có công việc mới trở về góp mặt.
Tục “lại mặt” tuy chỉ là một phần lễ trong hôn nhân, nhưng lại là nét văn hóa độc đáo góp nên sự đa sắc thái văn hóa trong sinh hoạt đời thường của các dân tộc Việt Nam cũng như trên thế giới. Ở mỗi một dân tộc, tục này lại có những quy định khác nhau về thời gian, lễ vật, thủ tục, trình tự thực hiện… Dưới đây, chúng tôi xin giới thiệu sơ lược về tục “lại mặt” trong hôn lễ ở một số dân tộc trên địa bàn Quảng Ninh và một số tỉnh bạn.
1. Dân tộc Dao:
Người Dao Thanh Phán gọi Tục này là “hùi miền” nghĩa là “lại mặt”. Sau lễ cưới 3 ngày, cô dâu trở lại nhà bố mẹ đẻ. Trước kia, khi trở lại nhà mẹ đẻ, cô dâu ở lại bao lâu là tùy hoàn cảnh từng người, thông thường ở lại từ 3 đến 5 ngày, có người ở lại nhà mẹ đẻ một tháng. Đối với những gia đình có điều kiện cưới dâu thì thực hiện tục lại mặt. Đối với những gia đình nghèo khó, không đủ điều kiện cưới dâu thì chú rể sang nhà cô dâu ở rể, làm công đền ơn bố mẹ vợ cho đến khi có con thì đón cả vợ con về nhà mình.
Người Dao Thanh Y gọi Tục này là “ùi mịn”, nghĩa là lại mặt, trở lại. Cô dâu về nhà chồng sau 3 ngày thì trở lại nhà bố mẹ đẻ và ở lại 3 ngày rồi trở lại nhà chồng.
Tục này ở người Dao Đỏ (Bắc Kạn) gọi là “mỉn tiu”. Cô dâu về nhà chồng ít nhất một tháng mới được lại mặt, về nhà bố mẹ đẻ ở lại từ 1 đến 3 ngày. Người Dao Quần Chẹt ở Ba Vì (Hà Tây) gọi tục này là ủy mỉ, ùi mịn, nghĩa là lại mặt, trở về. Sau lễ cưới, cô dâu ở nhà chồng từ 3 đến 5 ngày rồi trở lại nhà mẹ đẻ ở lại từ 1 đến 4 ngày rồi quay lại nhà chồng.
2. Dân tộc Tày:
Ở Quảng Ninh có hai dòng Tày, tộc người Tày di cư từ Đình Lập (Lạng Sơn) đến tỉnh ta và người Tày gốc Bình Liêu.
Đối với người Tày gốc Đình Lập (Lạng Sơn) hiện nay đang cư trú tại Ba Chẽ, Đông Triều và một số huyện trong tỉnh, tục lại mặt gọi là “tèo lòi”. Sau hôn lễ, cô dâu trở lại nhà bố mẹ đẻ ngay trong ngày cưới (trước khi trời tối), ngủ lại một đêm ở nhà mẹ đẻ. Hôm sau, nhà chồng sắm lễ, cử một người là em chồng hoặc chị chồng, hoặc chị dâu bên chồng mang theo lễ lại mặt sang đón cô dâu về lại nhà chồng. Sau 12 ngày lại trở về (lại mặt lần nữa). Lần lại mặt này cả hai vợ chồng đều về nhà bố mẹ đẻ của cô dâu và trở lại nhà chồng trong ngày.
Đối với người Tày gốc Bình Liêu, tục lại mặt cũng gọi là “tèo lòi”, “hòi lòi”, “pây mừ”. Trước đây, khi lễ rước dâu về đến nhà chồng, người phù dâu (bạn cô dâu) ở lại cùng cô dâu, sau 3 ngày thì cùng cô dâu, chú rể trở lại nhà bố mẹ đẻ của cô dâu, mang theo lễ vật do nhà chồng sắm để lễ gia tiên nhà bố mẹ đẻ, ở lại một đêm, hôm sau hai vợ chồng trở lại nhà bố mẹ chồng.
Tục này ở Bắc Hà (Lào Cai), người Tày gọi là “tào lại rói tịu”, nghĩa là quay lại dấu chân. Ngay sau ngày cưới, cô dâu cùng chú rể trở lại nhà bố mẹ đẻ của cô dâu làm lễ ăn lại mặt rồi lại trở về nhà chồng ngay trong ngày hôm ấy và sau 12 ngày lại trở về nhà ngoại lần nữa.
Người Tày ở Văn Chấn (Yên Bái) cũng gọi tục này là “tèo lòi”. Sau lễ cưới được 3 ngày, cô dâu trở về nhà bố mẹ đẻ ở. Người Tày ở Na Rì (Bắc Kạn) gọi tục này là “hòi lòi”, nghĩa là lại mặt. Cô dâu về nhà chồng một ngày rồi cùng chú rể trở lại nhà bố mẹ đẻ của mình, ở lại một đêm, hôm sau hai vợ chồng trở lại nhà chồng.
3. Dân tộc Sán Chay (gồm hai tộc Cao Lan và Sán Chỉ):
Người Sán Chỉ gọi tục này là “tăp lăt”, người Cao Lan gọi tục này là “tầu lầy”. Sau lễ cưới, cô dâu ở lại nhà chồng một ngày một đêm, sáng hôm sau cùng chú rể trở lại nhà mẹ đẻ của mình, mang theo lễ lại mặt do nhà chồng sắm, hai vợ chồng ở lại nhà bố mẹ để của cô dâu từ một đến hai ngày rồi trở lại nhà chồng. Sau đó, cô dâu và chú rể có thể đi lại hai bên gia đình nội, ngoại cho đến khi có con thì hạn chế về nhà mẹ đẻ của cô dâu.
4. Dân tộc Sán Dìu:
Người Sán Dìu gọi tục này là “cui thap cooc chẹ”, về lễ lại mặt. Sau lễ cưới 3 ngày, đôi trẻ phải thực hiện lễ lại mặt. Khi về lại mặt, cô dâu được gia đình nhà chồng cử em chồng hoặc chị chồng do ông mối dẫn đầu, gánh theo gánh lễ lại mặt gồm: 1 thủ lợn, một đôi gà trống thiến, bánh chưng, gạo nếp và 36 cặp bánh nhân điền (là loại bánh bột gạo nếp nhân đậu xanh hoặc nhân lạc trộn đường phên), rượu, chè, trầu cau, thuốc lá đầy đủ.
Ông mối và người gánh lễ lại mặt cùng ăn bữa cơm trưa với gia đình nhà gái rồi trở về nhà mình. Đôi trẻ được ở lại nhà bố mẹ đẻ của cô dâu 2 ngày rồi trở lại nhà bố mẹ chồng. Bên nhà cô dâu chuẩn bị lễ lại quả gồm: từ 1 đến 2 đôi gà con; một ít hạt giống của cây đậu, lạc, thóc, ngô… và một số bánh chưng, bánh nhân điền gửi lại nhà trai, mang ý nghĩa cấp giống vốn để đôi trẻ làm ăn phát đạt, cũng là thể hiện tình nghĩa thâm giao. Một nguyên tắc bắt buộc là đôi trẻ phải trở lại nhà bố mẹ chồng trước 15 giờ chiều ngày hôm đó.
Trước kia, đối với gia đình bố mẹ vợ không có con trai hoặc những gia đình bên chú rể nghèo khó, không đủ điều kiện cưới cô dâu thì tổ chức hôn lễ ở bên nhà cô dâu và chú rể ở lại luôn nhà bố mẹ vợ (gọi là ở rể) để làm công đền ơn bố mẹ vợ cho đến khi có con thì đón cả vợ con về nhà mình, nếu ở rể suốt đời thì chú rể được coi như chủ nhà, được chia tài sản của nhà vợ, được tạo lập vốn riêng của vợ chồng và phải chia sẻ, gánh vác nghĩa vụ với bên nhà vợ. Với trường hợp này, sau hôn lễ không thực hiện tục lại mặt.
5. Dân tộc Kinh (Việt):
Người Việt xưa cũng có tục lại mặt. Trong sách “Việt Nam phong tục” của Phan Khế Bính có đoạn: “ Cưới được ba hôm, đến hôm thứ tư thì hai vợ chồng làm lễ chè, xôi đem đến nhà vợ, lạy gia tiên gọi là lễ lại mặt, chữ gọi là tứ hỉ”.
Sau ngày cưới, cô dâu và chú rể trở về nhà bố mẹ đẻ của cô dâu làm lễ lại mặt. Tùy theo điều kiện từng gia đình mà lễ lại mặt do bố mẹ bên chồng sắm ít hay nhiều. Nhưng thông thường có đủ bánh, kẹo, chè, rượu, thuốc lá, trầu cau, trái cây để đôi trẻ mang về nhà bố mẹ đẻ của cô dâu thắp hương gia tiên.
6. Một số dân tộc khác:
Người Thái ở Thanh Hóa gọi tục này là Mưa hươn, Khưu hoai, ở Nghệ An gọi là Hưu hòi hay Khủn hòi, ở Hòa Bình gọi tục này là Khưn hoài. ở Lai Châu, người Thái trắng gọi tục này là Ó nả, đều có nghĩa là lại mặt, trở về. Ở Sơn La, người Thái gọi tục này là Tảo hoi tin (nghĩa là quay lại vết chân), người Nùng gọi tục này là Hòi lòi, nghĩa là trở lại nhà gốc. Người Mường gọi tục này là Vền dông mỏng, nghĩa là về thăm nhà ngoại. Người Thổ gọi là Lái mắt, tức lễ lại mặt. Người Cơtu gọi tục này là Pa rách, nghĩa là đưa dâu về thăm mẹ đẻ, …
Dù ở mỗi dân tộc có cách gọi khác nhau, mang ngôn ngữ riêng của dân tộc mình, song bản chất của tục “lại mặt” đều biểu hiện ở việc sau khi cô dâu đã được đón rước về nhà chồng rồi lại được trở lại nhà bố mẹ đẻ. Trở lại sớm hay muộn, ở lại nhà mẹ đẻ nhiều hay ít ngày và lễ nghi thế nào là do mỗi dân tộc, mỗi gia đình thực hiện khác nhau. Một số dân tộc không có tục lại mặt như dân tộc Chăm, khi hôn lễ tổ chức xong, chú rể ở lại luôn bên nhà vợ. Hay dân tộc Dao nếu nhà chồng không có điều kiện cưới dâu thì chú rể phải sang nhà vợ ở rể. Như vậy, tục lại mặt chỉ có ở các dân tộc có chế độ phụ quyền- cô dâu được cưới về nhà chồng phải làm dâu, ở hẳn bên nhà chồng, sống trong môi trường mới lạ, phải gánh vác giang sơn nhà chồng. Do vậy, tục “lại mặt” (quay lại nhà mẹ đẻ lại mặt sau lễ cưới) thể hiện ngụ ý không muốn về nhà chồng, nuối tiếc nhà bố mẹ đẻ, muốn quay về ở nhà bố mẹ đẻ của mình. Song, ý nghĩa nhân văn của tục này là việc bên chồng cho phép cô dâu trở về nhà bố mẹ đẻ sau lễ cưới để tạ ơn các bậc sinh thành ra mình, để chú rể và gia đình bên chồng bày tỏ sự biết ơn đối với bố mẹ cô dâu đã sinh ra một cô con gái để làm dâu nhà mình.
Ngày nay, tục lại mặt ở một số dân tộc ít được quan tâm như thuở trước. Nhiều người lãng quên tục này sau hôn lễ. Một số dân tộc còn lưu truyền tục lại mặt nhưng không còn thực hiện đúng nghi lễ như xưa, tính thiêng của nó không tồn tại. Có nên tôn trọng, bảo tồn, phát huy giá trị nhân văn của tục “lại mặt” truyền thống ý nghĩa này?