VĂN HÓA TẶNG QUÀ
VĂN HÓA TẶNG QUÀ
Văn hóa tặng và nhận quà
– Giờ đây, tặng và nhận quà đã trở thành một nét văn hóa phổ biến ở rất nhiều quốc gia trên thế giới, mang ý nghĩa tốt đẹp, thể hiện tình cảm của người tặng đối với người được tặng. Tuy nhiên song song với đó là những biến tướng không đáng có, làm lệch lạc nét đẹp văn hóa tặng và nhận quà.
Nét đẹp văn hóa không bị mai một
Mỗi dân tộc có phong tục khác nhau trong việc tặng và nhận quà. Có hàng nghìn lí do để người ta tặng quà cho nhau, từ những dịp lễ tết, sinh nhật, đám cưới, cuộc vui của bạn bè và người thân… cho đến những lúc muốn thể hiện sự biết ơn, lòng ngưỡng mộ, quý mến đối với người khác.
Hiện nay, quà tặng rất phong phú, thiên hình vạn trạng như: bánh kẹo, hoa tươi, trang sức, mỹ phẩm, đồ dùng cá nhân… Có những món quà đơn giản với giá cả vừa phải nhưng cũng không ít những món đồ cầu kỳ, sang trọng, trị giá lên tới hàng chục triệu đồng.
Tuy nhiên, trong văn hóa tặng quà, giá trị vật chất không phải là yếu tố quyết định giá trị đích thực của món quà. Dù món quà có thể rất nhỏ bé, không đáng giá về mặt vật chất, những nếu nó xuất phát từ cái tâm, sự chân thành của người tặng quà thì đó bao giờ cũng là một món quà ý nghĩa.
Việc chọn quà tuy rất quan trọng, song tặng như thế nào lại là nhân tố quyết định. Món quà sẽ chỉ thực sự có ý nghĩa khi người tặng biết cách tặng quà. Bởi lẽ, có người nhận thích sự kín đáo, cũng có người lại thích sự náo nhiệt, công khai. Tùy vào từng hoàn cảnh, mục đích, sở thích của người tặng và người nhận mà sẽ có những cách tặng quà khác nhau.
Đi kèm với món quà, những lời chúc, câu nói chân thành, ấp ủ từ đáy lòng người tặng chính là những món quà vô giá, khiến người nhận cảm thấy thực sự hạnh phúc khi cầm trên tay món quà vừa được trao.
Tặng quà trong các ngày lễ thể hiện sự tri ân đối với những người mà mình quý mến là một nét đẹp văn hóa phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Bạn đang đọc: VĂN HÓA TẶNG QUÀ
Trong thời buổi hội nhập hiện nay, việc tặng quà cũng cần chú ý đến phong tục tập quán của mỗi dân tộc. Chẳng hạn, trong kinh doanh, đối với người Mỹ, việc tặng hay không tặng quà không quan trọng, điều đó không làm ảnh hưởng gì đến sự hợp tác giữa họ. Những đối với người Nhật, tặng quà là một phần tất yếu không thể thiếu trong kinh doanh.
Không chỉ việc tặng quà cần có văn hóa mà ngay cả cách nhận quà cũng đòi hỏi những quy chuẩn nhất định. Người nhận quà không nên quá mừng rỡ trước những món quà có giá trị lớn, cũng không nên tỏ ra thất vọng, hay coi thường những món quà có giá trị thấp. Việc từ chối món quà thẳng thừng trước mặt người tặng quà, hoặc khi có sự chứng kiến của người khác là không nên. Trong những trường hợp đó, người nhận nên tìm cách từ chối thật khéo léo và lịch sự.
Những biến tướng trong văn hóa tặng quà
Tặng quà trong các ngày lễ là để biểu thị sự tri ân đối với những người mà mình hàm ơn, trân trọng và quý mến, là một nét truyền thống trong văn hoá người Việt. Nhưng, đôi khi trong cuộc sống hiện đại ngày nay, việc tặng quà bị lạm dụng hoặc được sử dụng sai mục đích với ý nghĩa ban đầu của nó. Từ một hành động rất có ý nghĩa trong những dịp cuối năm, tặng quà hiện đã trở thành một vấn nạn trong dịp các Tết. Hay thay vì mục đích bồi dưỡng tình cảm ban đầu, việc tặng quà nhân dịp lễ tình nhân (14/2) hoặc các màn tỏ tình của một số bạn trẻ đang ngày càng trở nên phô trương, giả tạo bởi hành động quá “lố”.
Có một thực tế, nhiều người thường rất chú trọng đến khâu chọn quà tặng. Bởi theo họ, quà tặng chính là thứ thể hiện tình cảm của người tặng đối với người được tặng. Cùng với sự phát triển của đời sống, thói “sùng bái vật chất” đang diễn ra trong tất cả khía cạnh của đời sống xã hội. Không ít người quan niệm, quà càng đắt tiền càng thể hiện được thiện ý của người tặng quà. Họ vô tình đồng nhất giữa giá trị vật chất và tinh thần của món quà, và đồng nhất luôn cả ý muốn của người tặng quà với sở thích của người nhận quà.
Những món quà đắt tiền ngày càng được nhiều người “ săn lùng ” bởi họ đánh đồng giá trị món quà với tình cảm người tặng .
Cũng có một số người coi tặng quà là một cách thức để đạt được những mục đích cá nhân. Điều đó đã làm cho văn hóa tặng quà bị biến tướng, trở thành một hiện tượng tiêu cực trong xã hội, không còn là một nét đẹp văn hóa trong cách ứng xử giữa người với người.
Thay cho lời kết
Một vấn đề tưởng như là bình thường – “tặng và nhận quà” hiện nay lại trở thành một chủ đề nóng được nói nhiều, nhắc nhiều trên các phương tiện tryền thông trong mỗi dịp lễ đặc biệt… Giải pháp nào để tặng quà thực sự là một nét đẹp trong văn hoá của người Việt là một câu hỏi bỏ ngỏ đang tìm câu trả lời.
Ngày Quốc tế phụ nữ 08/03 đang đến gần. Hy vọng 08/03 năm nay, việc tặng và nhận quà sẽ mang những yếu tố tích cực, xứng đáng với ý nghĩa của ngày lễ lớn trong năm nhằm tôn vinh những người phụ nữ trên khắp hành tinh.
Thu Hường – Khánh Linh
Báo mạng điện tử K.31
Source: https://thoitrangredep.vn
Category: Quà tặng