Thư viện góp phần giảm thiểu bất bình đẳng xã hội

Đặt vấn đề
Thế giới hiện nay đang trong quá trình của sự bùng nổ công nghệ thông tin và tri thức, kéo theo sau đó là nhiều hệ lụy đáng được quan tâm. Chúng ta có thể thấy rõ ràng nhất từ những việc như ô nhiễm môi trường, rác thải công nghiệp, cho đến sự suy thoái kinh tế toàn cầu… Tuy nhiên trong số đó có những việc tưởng chừng như nhỏ bé không đáng được quan tâm nhưng lại thật sự nguy hại nếu chúng ta không cùng nhận thức một cách đúng đắn và giải quyết triệt để.
Ở đây, trong bài viết này tác giả muốn nhắc tới đó chính là vấn đề “bất bình đẳng xã hội”.

Định nghĩa
Vậy ta hiểu thế nào là “bất bình đẳng xã hội”?
Theo Wikipedia thì: “Bất bình đẳng xã hội  là sự không bình đẳng, sự không bằng nhau về các cơ hội hoặc lợi ích đối với những cá nhân khác nhau trong một nhóm hoặc nhiều nhóm trong xã hội. Tất cả các xã hội – cả quá khứ hay hiện tại – đều được đặc trưng bởi sự khác biệt xã hội.” [1]
Theo Tiến sĩ Đỗ Trọng Kính (Viện Xã hội học) thì: “…bất bình đẳng nói chung là sự miêu tả bất bình đẳng của tất cả các thành viên trong xã hội trong cùng một không gian đơn chiều”. [3]
Từ những khái niệm trên thì ta có thể hiểu rằng: Bất bình đẳng xã hội là sự không bằng nhau về các đặc quyền, lợi ích, nghĩa vụ trong các vấn đề như kinh tế, văn hóa, tôn giáo và giáo dục… giữa người với người (hoặc nhóm người với người, nhóm người với nhóm người).

Nguyên nhân của bất bình đẳng xã hội:
Cũng theo Wikipedia thì có ba nguyên nhân chính dẫn đến bất bình đẳng xã hội đó là:
1. Cơ hội trong cuộc sống: bao gồm tất cả những thuận lợi vật chất có thể cải thiện chất lượng cuộc sống. Nó không chỉ bao gồm những thuận lợi về vật chất, của cải, tài sản và thu nhập mà cả những điều kiện như lợi ích bảo vệ sức khỏe hay an ninh xã hội. Cơ hội là những thực tế và những thực tế này cho thấy những lợi ích vật chất và sự lựa chọn thực tế của một nhóm xã hội, bất kể những thành viên của nhóm có nhận thức được điều đó hay không. Trong một xã hội cụ thể, một nhóm người có thể có cơ hội, trong khi các nhóm khác thì không; và đó là nguyên nhân khách quan của bất bình đẳng xã hội;
2. Địa vị xã hội: trái lại, với nguyên nhân khách quan trên, bất bình đẳng xã hội về địa vị xã hội là do những thành viên của các nhóm xã hội tạo nên và thừa nhận chúng. Cơ sở địa vị xã hội có thể khác nhau – có thể là bất cứ cái gì mà một nhóm xã hội cho là ưu việt và được các nhóm xã hội khác thừa nhận; ví dụ, của cải, sự trong sạch về tôn giáo, địa vị chính trị, v.v… Bất kể với nguyên nhân như thế nào, địa vị xã hội chỉ có thể được giữ vững bởi những nhóm xã hội nắm giữ địa vị đó và các nhóm xã hội khác tự giác thừa nhận tính ưu việt của những nhóm đó;
3. Ảnh hưởng chính trị: bất bình đẳng trong ảnh hưởng chính trị có thể được nhìn nhận như là có được từ những ưu thế vật chất hoặc địa vị cao. Thực tế, bản thân chức vụ chính trị có thể tạo ra cơ sở để đạt được địa vị và những cơ hội trong cuộc sống. Có thể gọi đó là những bất bình đẳng dựa trên cơ sở chính trị. [1]
 


Hình ảnh minh họa về sự bất bình đẳng xã hội

Thực hiện giảm thiểu bất bình đẳng xã hội ở thư viện như thế nào:
Theo Tiến sĩ Lê Văn Viết trong một bài nghiên cứu về thư viện, ông có đúc kết và cho rằng triết lý nghề thư viện – thông tin của nước ta và thế giới trong giai đoạn hiện nay là: “Cung cấp sự tiếp cận ngang bằng tới thông tin/tài liệu cho tất cả mọi người không phân biệt tuổi tác, chủng tộc, giới tính, chính kiến, niềm tin tôn giáo, quốc tịch, ngôn ngữ và địa vị xã hội.” [6]

Ta có thể thấy ngay từ vấn đế triết lí của ngành thư viện đã có những điểm hướng tới sự “bình đẳng xã hội” khi mà “không phân biệt tuổi tác, chủng tộc, giới tính, chính kiến, niềm tin tôn giáo, quốc tịch, ngôn ngữ và địa vị xã hội” trong việc cung cấp thông tin cho người dùng tin.
Vậy ở thư viện trên toàn thế giới nói chung thì với vấn đề giảm bất bình đẳng xã hội bằng cách thông tin được cung cấp cho người dùng tin thông qua nhiều dạng tài liệu khác nhau có trong thư viện (tài liệu truyền thống và tài liệu điện tử), và thông qua chỉ dẫn/ tư vấn tin của cán bộ thư viện mà không có sự bất bình đẳng; thư viện có trách nhiệm và nghĩa vụ cung cấp sự tiếp cận thông tin ngang bằng với mọi người dùng tin tùy theo đặc thù và tính chất của thư viện mình.

Thư viện với việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững góp phần giảm thiểu bất bình đẳng xã hội:
Theo Liên đoàn quốc tế các hội và cơ quan thư viện (International Federation of Library Associations and Institutions – IFLA) thì thư có đóng góp vai trò quan trọng  trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Quốc gia của Liên hợp Quốc (United Nations). Từ đó có thể nhận định thấy IFLA đánh giá thư viện như một phương tiện để phát triển xã hội, cụ thể như sau:
Mục tiêu 1: Xoá nghèo – Thư viện hỗ trợ mục tiêu này bằng việc:
• Hỗ trợ tiếp cận thông tin một cách rộng rãi và cung cấp các nguồn lực nhằm mang tới cơ hội cải thiện cuộc sống cho tất cả mọi người.
• Đào tạo các kỹ năng mới cần thiết cho giáo dục và việc làm.
• Cung cấp thông tin hỗ trợ chính phủ, xã hội dân sự và doanh nghiệp ra quyết định để chống lại nạn nghèo.

Mục tiêu 2: Xoá đói – Thư viện hỗ trợ mục tiêu này bằng việc:
• Cung cấp các nghiên cứu và dữ liệu nông nghiệp nhằm tăng năng suất mùa vụ và bền vững hơn.
• Giúp nông dân tiếp cận các nguồn lực trực tuyến về giá cả thị trường trong nước, báo cáo thời tiết và các thiết bị mới.

Mục tiêu 3: Sức khoẻ tốt và cuộc sống hạnh phúc – Thư viện hỗ trợ mục tiêu này bằng việc:
• Cung cấp các nghiên cứu sẵn có trong các thư viện y khoa và thư viện của bệnh viện, hỗ trợ giáo dục và cải thiện hoạt động y tế cho những nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ.
• Hỗ trợ tiếp cận thông tin một cách rộng rãi về sức khoẻ và hạnh phúc trong các thư viện công cộng, giúp các cá nhân và gia đình sống khoẻ mạnh.

Mục tiêu 4: Giáo dục chất lượng – Thư viện hỗ trợ mục tiêu này bằng việc:
• Người làm thư viện tận tâm hỗ trợ việc đọc, viết sớm và học tập suốt đời cho người dân.
• Giúp người dân, sinh viên và học sinh tiếp cận thông tin để học tập và nghiên cứu ở mọi lúc mọi nơi.
• Cung cấp không gian mở và hiện đại, gỡ bỏ rào cản chi phí để tiếp cận tri thức và kỹ năng mới cho tất cả mọi người dân.

Mục tiêu 5: Bình đẳng giới – Thư viện hỗ trợ mục tiêu này bằng việc:
• Cung cấp không gian hội họp an toàn và thân thiện.
• Cung cấp các chương trình và dịch vụ riêng đáp ứng nhu cầu của phụ nữ và trẻ em gái như quyền lợi và sức khoẻ.
• Hỗ trợ tiếp cận thông tin, công nghệ thông tin và truyền thông hỗ trợ phụ nữ xây dựng kỹ năng kinh doanh và sản xuất.

Mục tiêu 6 và 7: Nước sạch và vệ sinh, năng lượng sạch và giá hợp lý – Thư viện hỗ trợ mục tiêu này bằng việc:
• Hỗ trợ người dân tiếp cận thông tin có chất lượng và những quy định tốt để hỗ trợ quản lý nước và các dự án vệ sinh môi trường ở địa phương.
• Cung cấp truy cập miễn phí và tin cậy tới nguồn điện và ánh sáng để đọc, học tập và làm việc.

Mục tiêu 8: Tăng trưởng kinh tế và việc làm bền vững – Thư viện hỗ trợ mục tiêu này bằng việc:
• Hỗ trợ người dân tiếp cận thông tin và đào tạo kỹ năng mà mọi người cần để tìm kiếm, xin việc và đạt được công việc tốt hơn.

Mục tiêu 9: Công nghiệp, sáng tạo và hạ tầng – Thư viện hỗ trợ mục tiêu này bằng việc:
• Cho sử dụng miễn phí cơ sở hạ tầng thư viện dành cho việc nghiên cứu và sáng tạo, cung cấp các chuyên gia thư viện có kỹ năng để hỗ trợ tìm kiếm thông tin.
• Cung cấp không gian công cộng thân thiện và toàn diện.
• Hỗ trợ người dân tiếp cận công nghệ thông tin và truyền thông với đường truyền Internet tốc độ cao.

Mục tiêu 10: Giảm bất bình đẳng – Thư viện hỗ trợ mục tiêu này bằng việc:
• Cung cấp không gian trung lập và thân thiện để tất cả mọi người kể cả các nhóm thứ yếu như người nhập cư, người tị nạn, dân tộc thiểu số, người bản địa và người khuyết tật dễ dàng tiếp cận việc học tập.
• Tiếp cận công bằng tới thông tin hỗ trợ toàn diện về xã hội, chính trị và kinh tế.

 Mục tiêu 11: Thành phố và cộng đồng bền vững – Thư viện hỗ trợ mục tiêu này bằng việc:
• Đóng vai trò là các tổ chức tin cậy cống hiến cho việc thúc đẩy hiểu biết và toàn diện văn hoá.
• Dẫn chứng tư liệu và bảo quản di sản văn hoá cho các thế hệ tương lai.

Mục tiêu 12, 13, 14 và 15: Tiêu dùng và sản xuất có trách nhiệm; Hành động bảo vệ khí hậu; Cuộc sống dưới nước; Cuộc sống trên mặt đất – Thư viện hỗ trợ các mục tiêu này bằng việc:
• Cung cấp hệ thống chia sẻ và lưu thông tài liệu bền vững giúp giảm thiểu lãng phí.
• Ghi chép lịch sử về thay đổi miền ven biển và sử dụng đất đai.
• Cung cấp các nghiên cứu và dữ liệu cần thiết để ứng phó với biến đổi khí hậu.
• Hỗ trợ tiếp cận rộng rãi tới các thông tin cần thiết nhằm định hướng các chính quyền địa phương và quốc gia ra quyết định về các vấn đề như săn bắt, đánh bắt cá, sử dụng đất đai và quản lý nước

Mục tiêu 16: Xã hội hoà bình – Thư viện hỗ trợ mục tiêu này bằng việc:
• Tiếp cận công cộng tới thông tin về chính phủ, xã hội dân sự và các tổ chức khác.
• Đào tạo người dân các kỹ năng cần thiết để hiểu và sử dụng thông tin này.
• Cung cấp không gian trung lập chính trị và toàn diện cho mọi người hội họp.

Mục tiêu 17: Quan hệ đối tác toàn cầu – Thư viện hỗ trợ mục tiêu này bằng việc:
• Tham gia mạng lưới toàn cầu các tổ chức cộng đồng hỗ trợ các dự án phát triển địa phương. [2]
 


17 mục tiêu để phát triển bền Quốc gia của Liên hợp Quốc

Thư viện tại Việt Nam đã làm những gì để giảm thiểu bất bình đẳng xã hội:
Trong tiến trình phát triển và hình thành của lịch sử thư viện Việt Nam thì có thể nói trong thời kì đầu – thời Phong kiến tại Việt Nam thì thư viện xuất hiện dưới hình thức như một “nhà tàng trữ”, cất giữ nhiều loại sách quý hiếm như kinh điển các tôn giáo (Phật giáo, Đạo giáo), các trước tác văn học (thơ, ký…) của các tác giả thường là vua, chúa, quan lại… Vào thời kỳ này thư viện chỉ được sử dụng bởi các nhà quyền quý, giới tri thức hay giới cầm quyền; nên chưa có sự bình đẳng.
Sang đến  giai đoạn 2 – thời Pháp thuộc, người Pháp đã có công xây dựng nhiều thư viện trên thuộc địa, nhưng về căn bản các thư viện này cũng chỉ phục vụ giới cầm quyền, cai trị thời bấy giờ, những người Việt không được tiếp xúc và sử dụng nhiều. Đến thời kỳ thứ 3 – từ năm 1945 đến nay đất nước có nhiều sự  biến động, thư viện tại Việt Nam đang dần đi theo hướng “giảm bất bình đẳng xã hội”. Tuy thời kỳ đầu ngành thư viện Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn do chiến tranh ngăn chia hai miền Nam – Bắc, rồi sau đó giải phóng hoàn toàn thống nhất đất nước theo công cuộc xây dựng Chủ nghĩa Xã hội ở nước ta còn non trẻ gặp nhiều chông gai, kinh tế còn hạn chế và còn nhiều yếu tố khác nên mãi cả một giai đoạn đầu thư viện Việt Nam chỉ tập trung theo mô hình thư viện đóng, nghĩa là gần như muốn đọc sách phải xuất trình giấy tờ với cán bộ thư viện để lấy hộ sách rồi đem về nhà, không phải cá nhân nào muốn mượn cũng được, thư viện phần đông không phục vụ đọc tại chỗ.
Nhưng có thể nói ngay từ trong công cuộc xây dựng đất nước về công tác thư viện, theo hai tác giả là Vũ Dương Thú Ngà và Phạm Văn Rính thì Hồ Chủ tịch có nhiều đóng góp để xây dựng ngành thư viện trên một số bình diện sau:
Thứ nhất: Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định cần phải xây dựng và phát triển thư viện và có những chính sách đảm bảo cho thư viện.
Thứ hai: Người đánh giá cao những triều đại và quốc gia có sự nghiệp thư viện phát triển.
Thứ ba: Người khẳng định vai trò của thư viện đối với việc nâng cao dân trí và phục vụ các nhiệm vụ cách mạng.
Thứ tư: Người đã có một số đóng góp cụ thể đối với công tác thư viện.
Thứ năm: Người luôn tôn trọng các nguyên tắc, nội quy thư viện.

Người đã ký Sắc lệnh số 18 về việc đặt thể lệ lưu chiểu văn hoá phẩm trong nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ngày 31 tháng 1 năm 1946. Nội dung Sắc lệnh gồm có 6 chương quy định rõ về cách tổ chức việc nộp lưu chiểu văn hoá phẩm. Sắc lệnh này đã được thi hành trong nhiều năm góp phần đảm bảo cho các thư viện, đặc biệt là Thư viện Quốc gia Việt Nam có điều kiện thu thập, tàng trữ và sử dụng các tài liệu được xuất bản trên đất nước Việt Nam để phục vụ các nhu cầu đọc của cán bộ và nhân dân.
Người đã kể say sưa trong “Liên xô vĩ đại”, một tác phẩm Người viết vào tháng 10 năm 1957:
“Liên Xô có 392.000 thư viện với 1.300 triệu sách. To nhất là Thư viện Lênin ở Mátxcơva, với 19 triệu quyển sách bằng 160 thứ tiếng, trong số đó 2.200.000 quyển là sách nước ngoài.  Mỗi ngày, hơn 5.000 người đến xem sách ở Thư viện Lênin. Các nhà máy, nông trường, cơ quan, trường học nào cũng có phòng sách. Chỉ tính ở nông thôn đã có hơn 119.000 thư viện với hơn 300 triệu quyển sách. Cố nhiên gia đình nào cũng có một tủ sách”.
Ngày 23/3/1963, khi đọc báo Hà Nội mới, qua bài “Tủ sách nhỏ” Người được biết có ba em nhỏ đang góp tiền xây dựng “Tủ sách Kim Đồng”. Đọc xong, Người đã ghi ngay bên cạnh bài báo: “Đi xem. Về, Văn phòng có thể gửi cho một số sách mà các em chưa có”.
Nhân dịp kỉ niệm lần thứ 70 ngày sinh của Người, thanh thiếu niên xã Ngọc Thuỵ (Gia Lâm – Hà Nội) đã gửi lụa tặng Người và Người đã đáp lại tấm lòng của lớp trẻ bằng một món quà đặc biệt. Cuốn ‘Bác Hồ với nông dân Hà Nội’ đã ghi nhớ về món quà đó như sau: ‘Bác đã gửi tặng lại thanh niên xã Ngọc Thuỵ một tủ sách hơn 200 cuốn được mua bằng tiền nhuận bút viết báo của Người. Đấy là những cuốn sách hay, những chuyện về các người lãnh đạo giỏi, sách khoa học kỹ thuật nông nghiệp và cả những chuyện cổ tích nữa.” [4]
 


Hồ Chủ tịch đang đọc sách báo

 
Với những bình diện trên ta có thể thấy những điều đó đều  đểu thể hiện Người luôn hướng đất nước đi theo con đường để xây dựng Chủ nghĩa Xã hội ở Việt Nam, xóa bỏ các mẫu thuẫn giai cấp, tiến tới bình đẳng xã hội.
Cho đến nay Đảng và Nhà nước ta cũng đã có rất nhiều công văn và sắc lệnh ban hành về thư viện liên quan đến bình đẳng xã hội, ta có thể lấy dẫn chứng cụ thể nhất là ở Pháp lệnh thư viện Việt Nam  Số: 31/2000/PL-UBTVQH10 ban hành vào ngày 28/12/2000,  thì ngay tại Chương I: Những quy định chung, tại phần Điều 1 có ghi như sau:  “Thư viện có chức năng, nhiệm vụ giữ gìn di sản thư tịch của dân tộc; thu thập, tàng trữ, tổ chức việc khai thác và sử dụng chung vốn tài liệu trong xã hội nhằm truyền bá tri thức, cung cấp thông tin phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu, công tác và giải trí của mọi tầng lớp của nhân dân; góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, phát triển khoa học, công nghệ, kinh tế, văn hoá, phục vụ công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.” [5]
 
Giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin vào thư viện để tiến tới công bằng xã hội, giảm bất bình đẳng:
Ngoài những vấn đề liên quan đến nhận thức, thay đổi cơ chế hay chính sách, để giúp thư viện giảm bất bình đẳng xã hội thì chúng ta có thể ứng dụng lĩnh vực công nghệ thông tin để làm việc đó như sau:
– Áp dụng các hệ thống an ninh xây dựng thư viện theo hướng mở: Khi sử dụng các công nghệ an ninh như RFID và EM ta có thể kiểm soát sự thất thoát tài liệu,  từ đó thư viện có thể hoạt động theo hình thức mở, bạn đọc có thể tự do ra vào sử dụng tài liệu không bị ràng buộc theo kiểu kho đóng.
 


Cổng từ an ninh thư viện Premium (Tagit)

– Sử dụng các công cụ hỗ trợ để chia sẻ thông tin đến mọi người: Trong thư viện sử dụng các loại máy Scan – Số hóa bao gồm cả loại tự động lẫn bán tự động sẽ giúp ích sao chụp tài liệu dưới nhiều dạng khác như số hóa (PDF, DOC…) hay truyền thống để người dùng tin có thể  dễ dàn sẵn sàng chia sẻ cho nhau để tiếp cận thông tin một cách tốt hơn.
 


Máy Scan – Số hóa chuyên dụng Zeta Comfort (Zeustchel)

– Xây dựng hệ thống mượn/ trả sách tự động, Kiosk tra cứu: Góp phần tạo tính chủ động trong việc sử dụng thông tin của người dùng tin, không bị cản trở bởi các thủ tục rắc rối thông qua việc mượn bằng máy móc chứ không phải ghi chép bằng sổ sách như trước. Thiết bị máy móc ở đây sẽ không phân biệt giới tính, tuổi tác hay thậm chí địa vị giai cấp xã hội mà chỉ nhận lệnh thao tác giúp đỡ người dùng tin mượn/ trả và tra cứu tài liệu một cách dễ dàng, tiện nghi.


Trạm tự mượn/ trả – Self check (P.V.Supa)

Kết luận
Thư viện là một trong những yếu tố quan trọng để góp phần giảm thiểu và xóa nhòa đi sự bất bình đẳng xã hội; chính vì vậy thư viện phải được quan tâm, đầu tư, khai thác và sử dụng đúng mức. Chúng ta nên nhận thức đúng đắn được các chức năng và vai trò của thư viện rồi từ đó nhận định rằng thư viện chính là điều kiện cần và đủ để xã hội phát triển tốt đẹp hơn. Khi nào xã hội còn những bất bình đẳng thì khi đó các vấn đề khủng hoảng vẫn còn nổ ra gây thiệt hại về nhiều mặt giá trị của cuộc sống, cả về vật chất lẫn tinh thần. Hãy cùng chung tay đóng góp và xây dựng thư viện theo cách đúng đắn nhất để hướng tới một tương lai toàn cầu tốt đẹp hơn.

______________________________________
Tài liệu tham khảo
1. Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, Bất bình đẳng xã hội, truy cập vào ngày 22/08/2019, tại địa chỉ: 
https://vi.wikipedia.org/wiki/B%E1%BA%A5t_b%C3%ACnh_%C4%91%E1%BA%B3ng_x%C3%A3_h%E1%BB%99i
2. Đỗ Văn Hùng, Kiều Thúy Nga, Bùi Thị Thủy, Phạm Thế Khang (2017), Vai trò của thư viện trong viện trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Liên Hợp Quốc, truy cập vào ngày 22/08/2019 tại địa chỉ: http://nlv.gov.vn/nghiep-vu-thu-vien/vai-tro-cua-thu-vien-trong-viec-thuc-hien-cac-muc-tieu-phat-trien-ben-vung-cua-lien-hop-quoc.html?fbclid=IwAR2kFpMEyWDHToxFBTX_J_TXyhPAuXzLBzL7ptYPp13Kqg_iYUxfrMttoLs
3. Đỗ Thiên Kính, Cách nhìn khác về bất bình đẳng ở Việt Nam và xu hướng biến đổi của nó, truy cập vào ngày 22/08/2019, tại địa chỉ:  
http://www.hids.hochiminhcity.gov.vn/c/document_library/get_file?uuid=b0c2437d-a377-4ebf-b3cc-c94f50ef4151&groupId=13025&fbclid=IwAR25Av6OrBOKtvDu9GBY5_pkgkKGUzRlA3AETqqmO0awyhYCZET7yeN2ljo
4. Vũ Dương Thúy Ngà, Phạm Văn Rính, Hồ Chủ tịch với công tác thư viện, truy cập vào ngày 22/08/2019, tại địa chỉ: http://nlv.gov.vn/nghiep-vu-thu-vien/ho-chu-tich-voi-cong-tac-thu-vien.html?fbclid=IwAR1biBZXO5DNpsOws8GsymE9N02-4p7aB41dvzoDbe_6JRTVSAdVEBkABvU
5. Pháp lệnh Số: 31/2000/PL-UBTVQH10 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, ngày 28/12/2000 về Thư viện.
6. Lê Văn Viết, Bước đầu tìm hiểu triết lý của nghề thư viện – thông tin,  truy cập vào ngày 22/08/2019, tại địa chỉ:   http://dlib.huc.edu.vn/bitstream/123456789/8038/1/B%C6%AF%E1%BB%9AC%20%C4%90%E1%BA%A6U%20T%C3%8CM%20HI%E1%BB%82U%20TRI%E1%BA%BET%20L%C3%9D%20C%E1%BB%A6A%20NGH%E1%BB%80%20TH%C6%AF%20VI%E1%BB%86N%20-%20TH%C3%94NG%20TIN.pdf
_____________________________________
Hình ảnh: Sưu tầm Internet
Sưu tầm và viết bài: Hải Anh