Sinh viên thời trang ra trường sẽ làm gì và sống như thế nào?

Rất nhiều sinh viên chuyên ngành thời trang đã ngậm ngùi từ bỏ ngành đã học bởi có ra đời, lăn lộn một thời gian, họ mới hiểu rằng những gì được học chẳng phải là hành trang chính cho họ bước vào thế giới của trang phục, của phù hoa…

Hàng năm, các trường đào tạo cho ra lò hàng trăm các cử nhân chuyên ngành thời trang. Họ ra trường với nhiều ước mơ, trong đó có khát khao cháy bỏng được trở thành nhà thiết kế, được đứng trên sân khấu nhận hoa, được truyền thông tung hô tên tuổi và tài năng… Nhưng mấy ai làm được việc đó?

 

Rất nhiều sinh viên chuyên ngành thời trang đã ngậm ngùi từ bỏ ngành đã học bởi có ra đời, lăn lộn một thời gian, họ mới hiểu rằng những gì được học chẳng phải là hành trang chính cho họ bước vào thế giới của trang phục, của phù hoa… Còn với những trót yêu nghề, họ đành lùi lại với những công việc liên quan đến thời trang. Ai đủ nhiệt huyết, chín muồi sau những va vấp của nghề với đời thì quay lại với hoài bão, còn không thì tạm ổn với những công việc thường nhật.
 
Sống Mới đã có buổi trò chuyện ngắn với một cựu sinh viên ra trường đã được vài năm của khoa Thời trang Viện ĐH Mở Hà Nội. Hương Trà cũng đã trải lòng với những lăn lộn của nghề nghiệp. Nhưng trong cô vẫn nuôi một niềm hy vọng lớn.
 
Sau khi ra trường, Trà thấy những kiến thức được học trong trường với thực tế có gì khác nhau?
 
Kiến thức mình học trong trường chủ yếu là sáng tác, vẽ. Chính vì thế, trong lớp của Trà đa phần các bạn có đầu óc mộng mơ, luôn lấy ý tưởng sáng tác thời trang trình diễn nên khi ra trường khó hoà nhập thực tiễn. Trong khi đó, theo mình hiểu thì thực tế đòi hỏi người thiết kế  cần phải:  Nắm bắt nhanh nhu cầu / sở thích của tầng lớp khách hàng ( hồ sơ khách hàng / khảo sát thị trường ).
 
Thứ hai là phải có gu/ phong cách riêng để tạo ra 1 thương hiệu riêng, dù khi mới bắt đầu, có thể họ là 1 nhãn hàng nhỏ. Mình thấy thương hiệu Nobysn được tạo bởi 1 bạn học thiết kế nội thất nhưng có gu và cách nhìn nhận riêng về thời trang, dù khởi nghiệp với 30 triệu nhưng hiện tại đã có cửa hàng riêng và rất nhiều khách hàng quen là một mô hình khá thành công.
 
Ngoài ra, bọn mình có học về bản vẽ kỹ thuật, nhưng chưa đầy đủ vì khi làm việc thực tế ở công ty ( may xuất khẩu và thời trang công sở/ thời trang trẻ ), ngoài bản vẽ kỹ thuật ra, còn có bản mô tả chi tiết nguyên phụ liệu, xuất xứ, định mức ( liên quan đến ISO số lượng mũi chỉ / 1 cm đường may, tính chi phí đầu vào … ), bản hướng dẫn quy trình may … khiến không ít sinh viên như bọn mình cảm thấy tự ti khi mình vãn quá thiếu kiến thức thực tiễn.
 
Trong trường chỉ dạy cắt may cơ bản như quần âu, áo sơmi, áo vest/ comple mà thiếu những chỉ dẫn về cắt may áo kiểu, trang phục có phom dáng lạ – khác phom dáng cơ bản… Trong khi đó, xưởng thực hành chưa đầy đủ và bao quát vì khi ra thực tế, có những loại vải và trang phục cần xử lí riêng ( ví dụ vải thun, vải rib cần có những đường may như thế nào để phù hợp…). 

Đó là chưa kể đến việc các sinh viên trong trường rất ít khi được học về đặc điểm các phụ liệu may hoặc việc tạp phong cách khi phối hợp trang phục với phụ kiện… Tất cả những điều trên, ai thích thì tự tìm hiểu lấy chứ không được học các kiến thức này khi còn ngồi trên giảng đường đại học.
 
Thêm nữa là khi ra trường, bọn mình cũng khó mà mở ngay một thương hiệu riêng vì hoàn toàn thiếu kiến thức kinh doanh, tìm nguồn vốn, xây dựng và phát triển thương hiệu. Còn nếu rẽ ngang sang làm các ngành liên quanh đến thời trang như stylist, buyer, merchandiser, QC… Thì lại càng hổng kiến thức thực tế.
 
Nếu kiến thức thiếu nhiều như vậy, Trà lấp chỗ trống bằng cách nào? 
 
Mình đi làm rồi nên thấy thiếu kiến thức nhiều lắm. Nhưng mình xác định học từ kinh nghiệm làm việc thực tế, từ kinh nghiệm người đi trước trong các công ty, sau giờ đi làm về là phải vào mạng tìm hiểu thêm về công việc. Trước kia, mình cũng cố tích tiền mua sách cập nhật thông tin mới nhưng giờ thấy chi phí mua sách thì đắt ( sách nước ngoài toàn bán bằng tiền đô và euro thôi) mà không cập nhật thực tế hình ảnh bằng các web chuyên ngành. 
 
Nếu có điều kiện đi học tiếp, nhưng khi ra trường, mình xác định không đi học tiếp ngay lập tức mà muốn đi làm để xem mình còn thiếu những gì, khi đó sẽ học để bổ sung những điều mình cần cho thực tế. Rất may, tring quá trình đi làm, mình được cấp trên ( quản lí, trưởng phòng ) chỉ bảo và dạy mình rất nhiều, phương pháp thực tế rất dễ hiểu. 
 
Trà đã từng trải qua những công việc gì sau khi ra trường?
 
Sau khi ra trường, em từng làm :

– Visual Merchandiser – nhân viên trưng bày, công ty Eight Lions Corporation, Thanh Bắc Fashion company

– Assistant Fashion Designer – trợ lí trưởng phòng thiết kế, Norfolk Hatexco Joint Venture Company

– Fashion Designer – thiết kế, 7A.M, Clara, Pacolano
 
Bạn đã rút ra được những kinh nghiệm gì về nghề?
 
Dù thời gian mình làm ở các công ty không dài, hay như bên HR nhìn nhận rằng không làm lâu dài là hay nhảy việc…, thì mình thấy điều đó mang lại cho mình kinh nghiệm đa dạng. Nếu chỉ trung thành làm việc cho 1 công ty suốt 3 – 4 năm thì kiến thức sẽ bị bó hẹp, nhất là trong nghành sáng tạo, và thiếu đi sự linh hoạt trong cách đánh giá, nhìn nhận vấn đề. Khi mình trải qua nhiều việc, nhiều vị trí, mình dễ có cái nhìn tổng quát chung tốt hơn là người chỉ ngồi ở 1 góc và làm những công việc lặp đi lặp lại.  

Đến thời điểm này, mình tự thấy đã tích lũy tương đối và bắt đầu định hình, hướng tới làm việc ổn định, đồng nhất và lâu bền hơn. Vì vậy, mình quyết định trong thời gian tới sẽ làm một freelancer, nhận các công việc liên quan đến thời trang, đến những gì mình đảm nhận trong công việc sau khi ra trường.
 
Trà nhìn nhận ra sao về ngành thời trang VN hiện nay?
 
Mình thấy thời trang VN hiện nay đang yếu nhất về chất liệu vải. Bông nhập khẩu, sợi cũng nhập nhiều từ Trung Quốc. Tuy mình đã nghe nói bắt đầu có dàn máy dệt vải nhưng đó là do TQ đầu tư, chưa rõ dàn máy này là công nghệ cũ hay trung bình, và mức độ phụ thuộc. Những người làm thiết kế tâm huyết đều phải mua vải nước ngoài ( khác TQ ) để làm sản phẩm. Vải VN thì lụa, lãnh, đũi, gấm, the … chưa dùng nhiều, chưa phổ biến. Bên cạnh đó, những hoa văn in trong nước chưa đẹp, chưa hợp xu hướng nên cũng khó cạnh tranh với vải ngoại nhập.
 
Mình từng đọc 1 bài viết nhan đề ” Tại sao Hàn Quốc phát triển rực rỡ, còn VN thì không ?” Lý giải những thành công của xứ sở kim chi vì họ biết huy động và phát động ý thức dân tộc, dù sản phẩm còn thô, xấu nhưng người dân vẫn mua dùng để giúp các công ty trong nước phát triển, từ đó mới có vốn để chỉnh sửa hoàn thiện sản phẩm và nâng tầm vị thế. Ý thức cá nhân và ý thức hệ của 1 dân tộc có ảnh hưởng lớn đến văn hoá, công nghiệp trong đó thời trang cũng ảnh hưởng không nhỏ.
 
Trong khi đó, giới trẻ ngày nay cập nhật, nắm bắt nhanh xu hướng, mặc đẹp, nhưng vẫn theo luật chơi chung của những người tạo ra xu hướng. Điều đó 1 phần cũng là do tâm lí hòa nhập với số đông, mặc theo xu hướng khiến họ cảm thấy tự tin, hợp thời.
 
Tuy nhiên để tạo ra một xu hướng riêng mà vẫn hoà nhập xu thế chung đang là bài toán khó giải của các NTK. Nhiều người thiết kế hiện nay sống bằng cách cập nhật, sao chép xu hướng và trở thành Follower, họ không thể trở thành Creator – Trend Maker và lớn hơn nữa là Game Changer – những người thay đổi cuộc chơi, thay đổi luật chơi. Nhưng đó luôn là mong ước của những NTK mới ra trường, còn khi đã va vấp với thực tế, bọn mình tự hiểu rằng không thể chỉ một ngôi sao sáng là có thể soi rõ mọi vật. Vẫn phải lầm lũi đi và làm việc cật lực để mong có ngày mai.

Xin cảm ơn Trà về buổi trò chuyện này!