Những khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 – VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Thứ ba – 29/10/2019 12:18

Qua hơn 4 năm thực thi Luật Hôn nhân và gia đình 2014, bên cạnh những tác động tích cực của luật đến đời sống người dân, các quan hệ pháp lý về hôn nhân và gia đình được đảm bảo, nhận thức của người dân ngày càng được nâng lên thì trong quá trình áp dụng luật cũng bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc gây khó khăn cho quá trình giải quyết các vụ án. Cụ thể một số vướng mắc như sau:
 
Theo khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình 2014  “khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành” thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn “nhân lâm vào tình trạng trầm trọng”, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được. Tuy nhiên, để xác định thế nào là hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng là chưa có văn bản hướng dẫn, việc xác định mức độ hôn nhân trầm trọng là vào ý chí chủ quan của người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc, gây khó khăn cho việc xét xử vụ án.

Theo quy định tại Điều 81, Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, sau khi ly hôn cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ, trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chung chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Vợ chồng có quyền thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nếu các bên không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi dưỡng căn cứ vào quyền lợi mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của người con. Tuy nhiên, trong thực tế nếu các bên không thỏa thuận được và đều có yêu cầu nuôi con, con chung đã đủ 07 tuổi nên xem xét nguyện vọng của con. Trường hợp, con mong muốn ở với mẹ nhưng xét về điều kiện vật chất không đảm bảo chăm sóc nuôi dưỡng con. Trong khi người cha có đầy đủ điều kiện thì lại trái với nguyện vọng của con, nên khi giải quyết những trường hợp này vẫn còn lúng túng.

Đối với cha mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con,  mức cấp dưỡng có thể thỏa thuận giữa người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người có nghĩa vụ chăm nom, nuôi dưỡng con căn cứ vào thu nhập, khả năng của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Như vậy, trong trường hợp các bên không thỏa thuận được mức cấp dưỡng thì Tòa án sẽ quyết định. Tuy nhiên, chưa có văn bản nào hướng dẫn nếu các bên không thỏa thuận được thì quy định mức cấp dưỡng cụ thể như thế nào. Bởi, nếu căn cứ khả năng, mức thu nhập của từng chủ thể có nghĩa vụ cấp dưỡng có thể khác nhau, có người thu nhập cao có người thu nhập thấp; nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng cũng khác nhau tùy vào điều kiện, hoàn cảnh sinh sống. Hiện nay, do chưa có quy định hướng dẫn cụ thể, rõ ràng về mức cấp dưỡng nên có trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng có mức thu nhập cao nhưng Tòa án cũng chỉ quyết định mức cấp dưỡng bằng 01 tháng hoặc ½ tháng mức lương cơ sở  thì có khi không đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng sinh sống tại nơi đô thị.

Hoặc, trong quá trình giải quyết vụ án do sự thỏa thuận của các đương sự nên một số vụ án tòa tuyên giao con cho một bên và bên còn lại không có nghĩa vụ cấp dưỡng theo đúng thỏa thuận. Việc tuyên như vậy đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi của  trẻ trong vụ án vì nghĩa vụ cấp dưỡng chủ yếu là để đảm bảo cho sự phát triển đầy đủ về mặt thể chất và tinh thần cho trẻ. Việc này đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em trong các vụ án ly hôn.

Về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn thì trên thực tế có những vụ người trực tiếp nuôi con cố tình không tạo điều kiện cho người không trực tiếp nuôi con được gặp mặt, thăm nom, giáo dục con. Làm cho người không trực tiếp nuôi con không có cách nào để gặp được mặt con vì thế họ đành phải có yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn. Nhưng theo quy định tại khoản 2 Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì việc thay đổi người trực tiếp nuôi con chỉ được xem xét khi có các căn cứ sau: “Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con; người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con”. Nhưng trong trường hợp này thì người trực tiếp nuôi con không vi phạm những căn cứ theo quy định tại Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 nên không có cơ sở để chấp nhận yêu cầu của người khởi kiện. Như vậy, lại vô tình làm ảnh hưởng đến quyền lợi của những người này, đồng thời cũng làm ảnh hưởng đến tâm lý của con vì không gặp được mặt của bố hoặc mẹ.

Với những khó khăn, vướng mắc nêu trên cần có sự hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền để việc thi hành Luật Hôn nhân và gia đình 2014 đạt được kết quả cao nhất.